Việc sử dụng sai cách các loại gia vị trong cuộc sống thường ngày cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan.
Gan được mệnh danh là “nhà máy hoá chất” của cơ thể bởi có đến 1500 phản ứng sinh hoá liên quan đến cơ quan nội tạng này. Gan liên tục sản xuất ra các loại hormone và hợp chất khác cho cơ thể.
Một khi gan tổn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những cơ quan nội tạng khác. Nguyên nhân gây ra các tổn thương cho gan phần nhiều là do những thói quen trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là thói quen ăn uống. Thậm chí, việc sử dụng sai các loại gia vị trong các bữa ăn cũng có thể gây hại cho gan còn hơn cả rượu.
3 loại gia vị dùng quá nhiều sẽ gây hại cho gan
1. Nước tương (xì dầu)
Nước tương là một loại nước chấm cũng như gia vị trong nấu ăn phổ biến với người Việt bởi hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ, đặc biệt là gan. Bởi nước tương có nguồn gốc từ quá trình lên men của đậu nành. Trong quá trình này sẽ sinh ra amoni nitrit – một chất có khả năng gây ung thư.
Gan là bộ phận thải độc chính của cơ thể, chính vì vậy, dù biết amoni nitrit là chất độc nhưng cơ thể vẫn vận chuyển đến gan để đào thải. Nếu sử dụng quá nhiều nước tương, đồng nghĩa với việc gia tăng tiếp xúc giữa gan và amoni nitrit sẽ khiến quá trình phân chia tế bào gan sẽ bị gián đoạn, ức chế. Thời gian dài, gan sẽ dần bị tổn thương thậm chí là xơ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.
2. Dầu ăn hỏng, dầu chiên lại nhiều lần
Không ít người cho rằng dầu ăn dù để bao lâu cũng không bị biến chất. Tuy nhiên, nếu để lâu ngày và không được bảo quản đúng cách, dầu ăn cũng sẽ bị giảm chất lượng vào tạo ra mùi hăng.
Khi ngửi thấy mùi khác lạ trong dầu ăn, tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng. Bởi khi dầu ăn biến chất sẽ sản sinh ra aflatoxin, độc tố này có thể gây ung thư gan với hàm lượng dưới 1mg, có hại cho gan rất lớn. Đồng thời, những loại dầu ăn khi quá hạn sẽ dần phân huỷ và sản sinh một số oxit, gốc tự do và các chất khác, có thể gây tổn thương tế bào gan và gây ra các bệnh về gan.
Đồng thời, việc sử dụng dầu ăn chiên lại nhiều lần dù có thể tiết kiệm hơn trong sinh hoạt nhưng cũng gây hại không nhỏ cho gan. Loại dầu này khi sử dụng liên tục có thể giải phóng nhiều hóa chất độc hại như acrolein, acrylamide, tetrahydropyran… gây tổn thương tế bào gan.
3. Sử dụng nhiều gia vị nồng, muối
Dù gia vị cần thiết cho quá trình nấu ăn để gia tăng mùi vị, tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây ra một số tổn thương cho gan. Điều này chủ yếu liên quan đến một chất có trong gia vị – safrole.
Safrole được liệt kê trong danh sách những chất gây ung thư. Nếu chỉ sử dụng một lượng nhỏ sẽ không gây ảnh hưởng đến cơ thể, tuy nhiên, trong thời gian dài, với sự tích tụ safrole trong gan sẽ dễ dẫn đến tổn thương, thậm chí là ung thư gan.
Đồng thời, cũng cần cẩn trọng khi ăn muối bởi nếu lượng natri hấp thụ quá nhiều sẽ tăng áp lực, gây hại cho gan và dẫn đến các bệnh lý về gan khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi người trung bình chỉ nên ăn 5gram muối mỗi ngày để đảm bảo sức khoẻ.
Dấu hiệu bất thường cảnh báo vấn đề về gan
Nếu cơ thể xuất hiện 2 trong số những bất thường dưới đây rất có thể đang cảnh báo những vấn đề liên quan đến gan cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ sức khoẻ:
– Mệt mỏi, kém tập trung, sút cân không rõ nguyên nhân- Tóc hai bên thái dương bạc sớm, mụn trứng cá
– Mắt khô, ngứa , quầng thâm trầm trọng hơn và tăng tiết dịch nhầy ở mắt
– Hơi thở và cơ thể có mùi khó chịu không rõ nguyên nhân, đánh răng hay nhai kẹo cũng khó giảm bớt
– Xuất hiện nốt ruồi mạng nhện trên bàn tay hoặc gan bàn tay
– Mất ngủ, hồi hộp, dễ thức giấc về đêm, tính tình nóng nảy.
Làm gì để bảo vệ gan?
Để bảo vệ sức khỏe của gan, hãy kiên trì thực hiện những điều sau:
1. Giữ tâm trạng tốt
Cảm xúc của con người sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, điển hình nhất là việc thường xuyên tức giận có thể dẫn đến tổn thương gan. Việc nóng giận sẽ dẫn đến quá trình vận động, chuyển hoá của gan bị đình trệ, tắc nghẽn từ đó gây ra nóng gan, lâu ngày dẫn đến tổn thương cũng như bệnh lý về gan.
Chính vì vậy, để có một sức khoẻ tốt, cần duy trì tâm trạng vui vẻ. Cười nhiều hơn không chỉ giúp cuộc sống hạnh phúc, thuận lợi mà còn có ích cho gan.
2. Trà hoa cúc
Những người gan kém có thể sử dụng trà hoa cúc là thức uống mỗi ngày để hỗ trợ tăng cường chức năng gan. Trà hoa cúc rất giàu selen, flavonoid, choline và các yếu tố có lợi cho gan khác. Thêm một bông hoa cúc khô vào nước uống mỗi ngày có thể giúp gan khoẻ mạnh.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng selen trong hoa cúc có tác dụng giải độc rất tốt, tăng cường khả năng chống lại các chất độc hại tích tụ trong gan, tránh xơ hóa gan và ngăn ngừa xơ gan. Choline có thể sửa chữa các tế bào gan bị tổn thương và flavonoid có thể bảo vệ hiệu quả hoạt động của gan, giảm hàm lượng lipofuscin trong gan.
Đồng thời, theo kết quả nghiên cứu cho thấy, trà hoa cúc có thể làm giảm lượng cholesterol “xấu” và chất béo trung tính – nguồn chất béo lưu trữ những calo dư thừa trong tế bào mỡ để sử dụng cho hoạt động sau này.
3. Đi ngủ sớm và dậy sớm
Thức khuya, thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chức năng gan, cản trở quá trình giải độc và ức chế máu trở về gan khiến chức năng bị suy giảm. Chính vì vậy, chất lượng giấc ngủ cũng như thời gian ngủ ảnh hưởng rất lớn tới chức năng gan.