Thừa cân, béo phì đang có xu hướng phổ biến, ngoài vấn đề thể hình còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như: Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch … thậm chí cả ung thư. Vậy làm thế nào giảm cân thành công là vấn đề nhiều người quan tâm.
1. Béo phì làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần
Béo phì được coi là vấn đề rất đáng lo ngại với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
Các nghiên cứu cho thấy béo phì gây ra một loạt các hệ lụy, trong đó dễ thấy nhất là tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp lên 12 lần so với bình thường. Béo phì làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần và làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường.
Ngoài ra, béo phì tăng quá cao làm tim phải tăng công suất, gây dày thành tim và dẫn đến suy tim; đái tháo đường; Rối loạn mỡ (lipid) máu; Cơn ngừng thở khi ngủ; Tăng tỷ lệ ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, đại tràng,…
Béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh như: Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch …
2. Cách giảm cân hiệu quả
Để giảm cân hiệu quả cần đòi hỏi mọi người có nghị lực rất lớn vì quá trình giảm cân dễ chán nản. Bởi vậy, để giảm cân được người béo phì hãy kiên trì và tập trung vào mục tiêu, đầu tiên để giảm cân hiệu quả cần phải có một kế hoạch hành động cụ thể với những mục tiêu thiết thực cho từng giai đoạn.
– Lên kế hoạch để giảm cân
Trước hết hãy đặt cho mình những mục tiêu thực tế. Nếu hiện tại đang ở tình trạng tăng cân thì hãy tìm cách dừng ngay. Thậm chí chỉ bị tăng 1-2 cân cũng hết sức cảnh giác.
Nếu đang ở tình trạng thực sự đã thừa cân thì nên đặt kế hoạch giảm khoảng 10-15% và giữ như vậy. Tốt nhất là nên giảm cân khoảng một cách từ từ hợp lý để duy trì được mức dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nếu giảm quá nhanh cũng có thể gây ra vấn đề cho cơ thể.
– Cần vận động, luyện tập thể dục
Để thực hiện như vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tập thể dục đều đặn, khoảng 30-45 phút mỗi ngày và tất cả các ngày trong tuần. Không nên bắt đầu tập quá nặng và nên bắt đầu bằng đi bộ hoặc hình thức thể dục vừa phải thích hợp mà bạn thấy chịu đựng tốt.
Béo phì có thể khống chế được bằng kế hoạch ăn uống hợp lý
– Lựa chọn chế độ ăn hợp lý
Hãy học cách ăn uống hợp lý đủ dinh dưỡng. Có rất nhiều chế độ ăn được đề xuất để giảm cân chống béo phì. Việc chọn chế độ ăn uống phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đôi khi cũng nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản như sau:
Béo phì có thể khống chế được bằng kế hoạch ăn uống hợp lý. Rất dễ bị béo phì hoặc tăng cân trở lại sau những đợt thực hiện chế độ tích cực giảm cân. Do vậy, phải luôn kiên trì và giữ gìn chế độ ăn giảm cân liên tục. Không có một chế độ nào hoặc thuốc nào là kỳ diệu để có thể làm giảm cân và chống béo phì như ý muốn mà chỉ có sự kiên trì và nghị lực mới có thể giảm được cân và giữ được cân nặng.
Có thể lựa chọn chế độ ăn ít chất béo để giảm cân. Những nghiên cứu lớn và theo dõi lâu dài đã chứng minh rõ ràng là chế độ ăn ít chất béo đã có tác dụng rõ ràng trong việc làm giảm tỷ lệ bệnh lý tim mạch (bệnh động mạch vành và tăng huyết áp). Tuy nhiên, một vấn đề còn bàn cãi là chế độ ăn với tỷ lệ chất béo thế nào thì thích hợp?
Nếu chúng ta ăn quá ít chất béo thì cơ cấu bữa ăn sẽ trở nên không cân đối và cơ thể phải điều chỉnh bằng chuyển hoá các chất khác sang chất béo gây ra những rối loạn chuyển hoá. Bởi vì, chất béo rất cần để cung cấp năng lượng và tổng hợp một số chất quan trọng của cơ thể đặc biệt là các chất nội tiết. Một số nghiên cứu cho rằng nên có chế độ ăn khoảng 10% chất béo.
Có thể lựa chọn chế độ ăn chay để giảm cân. Nhiều người lựa chọn chế độ ăn chay để giảm cân, chế độ ăn bao gồm các thức ăn nguồn gốc từ thực vật với rất ít chất béo, nhiều chất tinh bột và nhiều chất xơ. Chế độ ăn này có lợi cho tim mạch nhưng có thể gây thiếu năng lượng, protein và tương đối khó thực hiện cũng như không phải phổ biến để có thể theo đuổi lâu dài.
Một số tác giả còn đề cập đến chế độ ăn kiều Địa trung hải với đặc trưng nhiều cá hoặc chế độ ăn lỏng. Tuy nhiên, các chế độ này khó phổ biến và cầu kỳ.
Tóm lại: Béo phì có xu hướng ngày càng phổ biến và thực sự là mối nguy hiểm về sức khoẻ chứ không phải chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ hoặc sự thổi phồng.
Không có một phương cách kỳ diệu nào để giảm cân nhanh chóng mà chỉ có sự quyết tâm bền bỉ mới là bí quyết thành công. Nó là vấn đề lâu dài và cần phải giải quyết liên tục.
Việc giảm cân ở người béo phì chắc chắn làm giảm được nguy cơ bệnh tật (đặc biệt bệnh tim mạch) và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không có một mục tiêu giảm cân nào được coi là thống nhất. Tuỳ từng thể trạng và nói chung nên đặt mục tiêu ban đầu giảm 10% trọng lượng sau đó tiếp tục cho đến mức trọng lượng lý tưởng.
Đánh giá chỉ số béo phì theo BMI
Chỉ số BMI của người lớn được tính như sau: BMI = trọng lượng (kg) ÷ (chiều cao x chiều cao)(m). Ví dụ: Một người cao 1,8m, nặng 75kg thì BMI = 72 ÷ (1.8 x 1.8) = 22,2
Dựa vào chỉ số BMI để đánh giá mức độ béo phì theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là:
– BMI < 18,5: Gầy
– BMI từ 18,5 – 24,9: Bình thường
– BMI từ 25 – 29,9: Tăng cân
– BMI từ 30 – 34,9: Béo phì độ 1
– BMI từ 35 – 39,9: Béo phì độ 2
– BMI ≥ 40: Béo phì độ 3
Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm của người châu Á, nhiều nước trong đó có Việt Nam áp dụng theo bảng tiêu chuẩn dưới đây:
– BMI < 18,5: Gầy
– BMI từ 18,5 – 22,9: Bình thường
– BMI từ 23 – 24,9: Tăng cân (nguy cơ béo phì)
– BMI từ 25 – 29,9: Béo phì độ 1
– BMI ≥ 30: Béo phì độ 2
Chỉ số BMI không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể, do đó ở một số đối tượng như vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI cao mặc dù họ không có mỡ thừa.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên 5-19 tuổi, BMI sẽ được tính dựa vào giới tính và độ tuổi cụ thể theo tiêu chuẩn của WHO. Đánh giá nhanh sự tăng trưởng của trẻ bằng công thức đánh giá của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.