Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi xếp hàng thứ 2 ở cả hai giới. Ung thư phổi tiên lượng nặng, thường phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy việc tầm soát hết sức quan trọng.
Bố tôi thường xuyên hút thuốc lá nhiều năm nay. Gia đình tôi rất lo vì nghe thông tin người hút thuốc nhiều sẽ mắc ung thư phổi . Xin bác sĩ cho biết trường hợp nào nên tầm soát ung thư phổi?
Độc giả Hùng Anh (Hà Nội)
PGS.TS Phan Thu Phương, ThS.BS Cao Trung Đức – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tư vấn:
Ung thư phổi là căn bệnh ung thư thường gặp trên thế giới. Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi ở nam giới đứng đầu trong các loại ung thư (17,3%); ở nữ giới, ung thư phổi (chiếm 8,4%) xếp thứ 2 sau ung thư vú.
1. Đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi:
Trên thế giới, các hiệp hội đưa ra nhiều khuyến cáo về đối tượng sàng lọc ung thư phổi và có thay đổi, cập nhật qua các năm.
Bác sĩ tư vấn khám, tư vấn bệnh ung thư cho người dân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Trang
Hiệp hội ung thư Mỹ (ACS) đưa ra khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi lần đầu vào năm 2013 và cập nhật vào năm 2018. Tầm soát hằng năm với các đối tượng sau:
– 50-80 tuổi, có sức khỏe tốt
– Hiện hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc dưới 15 năm
– Hút thuốc trên 20 bao/năm
Hiệp hội Lồng ngực Mỹ (ACCP) khuyến cáo về đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi theo các nhóm nguy cơ:
– Nguy cơ cao: Người 55-77 tuổi, hút 30 bao thuốc/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.
– Có nguy cơ: Đối tượng 50-80 tuổi, hút 20 bao thuốc/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm gợi ý chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.
– Nguy cơ thấp: không thuộc hai trường hợp trên, tùy từng trường hợp cụ thể.
Mạng lưới Ung thư quốc gia Mỹ (NCCN) năm 2018 cũng đưa ra khuyến cáo về đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi thông qua đánh giá nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử hút thuốc lá, phơi nhiễm nghề nghiệp, tiền sử ung thư, tiền sử gia đình ung thư phổi ở thế hệ thứ nhất, xơ phổi, hút thuốc lá thụ động.
Qua đó chia làm ba nhóm nguy cơ:
Nguy cơ cao:
Những người 55 – 74 tuổi, hút thuốc lá trên 30 bao/năm, bỏ thuốc lá dưới 15 năm.
Người trên 50 tuổi, hút thuốc lá trên 20 bao/năm, thêm vào các yếu tố nguy cơ khác ngoài hút thuốc lá thụ động.
Nguy cơ trung bình:
Trên 50 tuổi, hút thuốc lá trên 20 bao/năm hoặc hút thuốc lá thụ động, không có yếu tố nguy cơ nào khác.
Nguy cơ thấp:
Dưới 50 TUỔI và/hoặc hút thuốc lá dưới 20 bao/năm
Với nhóm nguy cơ cao, bác sĩ, bệnh nhân sẽ thảo luận về lợi ích và nguy cơ để đưa ra quyết định sàng lọc. Nhóm nguy cơ trung bình, thấp không được khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.
2. Ý nghĩa của sàng lọc ung thư phổi
Điều quan trọng trước khi sàng lọc là tư vấn bỏ hút thuốc nếu đang hút và được bác sĩ giải thích lợi ích, nguy cơ, giá trị của việc sàng lọc với chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp.
Lợi ích của sàng lọc giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Chất lượng cuộc sống người bệnh được cải thiện nhờ việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư. Việc sàng lọc có thể phát hiện bệnh lý khác ngoài ung thư phổi như giãn phế nang trong COPD, vôi hóa động mạch vành, phình động mạch chủ…
Nguy cơ sàng lọc: Tỷ lệ nhỏ dương tính giả dẫn đến các xét nghiệm, thăm dò xâm lấn không cần thiết thậm chí phẫu thuật. Điều này gây ảnh hưởng chi phí, chất lượng cuộc sống, tinh thần của đối tượng.
Việc sàng lọc cho kết quả âm tính giả có thể trì hoãn chẩn đoán điều trị. Ngoài ra, kết quả không xác định có thể dẫn đến các thăm dò khác.
Ung thư phổi có tiên lượng nặng, thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên làm giảm đáng kể tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, việc sàng lọc ung thư phổi rất quan trọng ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Đối tượng sàng lọc cần được đánh giá cụ thể tránh việc sử dụng quá mức thăm dò. Đối tượng cần được hiểu về lợi ích và nguy cơ của việc sàng lọc trước khi đưa ra quyết định sàng lọc ung thư phổi.
Hiện nay, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp được khuyến cáo để sàng lọc ung thư phổi.