Vừa xuống máy bay, người phụ nữ phải nhập viện khẩn

Vừa xuống máy bay, người phụ nữ phải nhập viện khẩn

Suốt thời gian ngồi trên máy bay, bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi vì phù mặt, khó thở và ngứa rất nhiều. Khi xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chị được chuyển ngay đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất.


Sáng 8/1, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa điều trị cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin.

Vết thương do chó cắn và triệu chứng sau tiêm vắc xin. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân là chị T. (46 tuổi), về Thanh Hoá thăm người thân, bị chó cắn vào cẳng chân trái. Sau tai nạn, chị đến một bệnh viện địa phương để xử trí vết thương, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và uốn ván.

Khoảng 2 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở, tụt huyết áp. Chị trở lại bệnh viện để theo dõi. Tại đây, bệnh nhân được xử trí bằng thuốc adrenaline. Sau đó, tình trạng sức khoẻ của người phụ nữ này tạm thời ổn định nhưng các dấu hiệu bất thường vẫn còn. Do đó, chị quyết định đi máy bay để trở về TP.HCM nhập viện điều trị.

Suốt thời gian bay, người phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi vì phù mặt, khó thở và ngứa rất nhiều. Khi xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chị được chuyển ngay đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 sau khi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và kháng uốn ván. Bác sĩ Phan Văn Thành, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết do chuyến bay từ Thanh Hoá đến TP.HCM ngắn, bệnh viện tuyến trước đã xử trí tốt nên người bệnh không gặp nguy hiểm.

Sau vài ngày điều trị, chị T. đã ổn định và được xuất viện. Bệnh nhân tiêm 3 loại vắc xin và huyết thanh nên các bác sĩ khó xác định chính xác chị bị sốc phản vệ với loại thuốc nào, nhưng nghi ngờ nhiều nhất là do vắc xin uốn ván.

Bác sĩ Thành cũng cảnh báo khi bị chó cắn, nạn nhân và người nhà cần biết cách xử trí vết thương, theo dõi tình trạng của chó và tiêm phòng sớm. Sau khi tiêm, nạn nhân phải tiếp tục chú ý, không nên đi xa để phòng ngừa tình huống bất thường.

Nếu có các dấu hiệu như ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, khó thở sau khi tiêm vắc xin, người bệnh cần đến viện ngay để được xử trí. Đồng thời, cần nắm rõ cơ thể bị dị ứng với những chất nào và khai báo đầy đủ với bác sĩ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *